• BIENDONG POC
  • -
  • NIỀM TỰ HÀO NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM
  • CHI NHÁNH TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
  • CHI NHÁNH TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM CÔNG TY ĐIỀU HÀNH DẦU KHÍ BIỂN ĐÔNG

Ngành Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Bác Hồ

  • Thứ ba, 11:12 Ngày 23/07/2024
  • (PetroTimes) - Năm 1959, với sự kiện sang thăm Khu công nghiệp dầu khí Baku (Azerbaijan), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đó đến nay đã 65 năm, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi từ không đến có, đạt được những thành tựu hết sức vẻ vang, như Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào và tự tin báo công đến Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, ngành Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người”.

    Ngành Dầu khí tự hào báo công lên Bác

     

    Tầm nhìn chiến lược, đi trước thời đại

    Ngày 23-7-1959, khi tới thăm Khu công nghiệp dầu khí Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku”…

    Nói về những nhận định của Bác, TSKH Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho rằng, thời điểm đấy chưa ai từng hình dung về ngành Dầu khí Việt Nam sẽ thế nào nhưng Bác đã đặt vấn đề với lãnh đạo Liên Xô rằng, khi chiến tranh kết thúc, giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí mạnh như Baku. Có thể thấy, tư duy của Bác từ thời đó đã vượt trước thời đại.

    Sau chuyến thăm của Bác, Đảng đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn xây dựng và phát triển ngành Dầu khí nước ta. Trong đó, để chuẩn bị, nhiều sinh viên ưu tú đã được cử đi đào tạo tại Liên Xô, Rumania… Đồng thời, ngành Dầu khí cũng được tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ, là những cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm, năng nổ, từng lãnh đạo nhiều công trình trọng điểm của đất nước trong thời kỳ đầu như: Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Hòa, Phan Tử Quang… Cùng với đó là sự hợp tác, tiếp nhận viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô về chuyên gia, thiết bị thăm dò, khai thác hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đó là những yếu tố then chốt cho việc hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Thể hiện hướng đi, hành động hết sức sáng suốt, đúng đắn của Đảng.

    Chai dầu đầu tiên lấy lên từ thềm lục địa được ông Bacalô - Tổng lãnh sự Liên Xô ở Vũng Tàu đem đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng

     

    Sau này có dịp gặp ông Trần Quân Ngọc, nguyên Thư ký của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, tôi nghe ông kể lại rằng, ngành Dầu khí thời kỳ đầu được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm, luôn theo dõi chặt chẽ, đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành với tâm niệm phải “Hết sức giúp đỡ, bắt tay vào cùng làm, coi đó là việc chung của đất nước mà làm đến nơi, đến chốn”.

    Ông Trần Quân Ngọc kể lại, lễ đốt đuốc đón dòng dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ ngày 7-3-1985, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví mỏ dầu như một nàng công chúa xinh đẹp ngủ dưới đáy biển và được các chàng hoàng tử của hai nước Việt - Xô đánh thức. Nàng công chúa ấy đã hóa thân thành ngọn lửa, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nước ta. Và trong giây phút đầy rung cảm chứng kiến ngọn lửa khí đồng hành khổng lồ dài hàng chục mét bùng cháy sáng rực cả một khoảng trời, mọi người đứng cạnh nghe cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói một câu với giọng trầm ấm: “Giá Bác Hồ được chứng kiến cảnh tượng này!”. Khi đó mọi người đều lặng đi vì xúc động!

    Sau này, để ghi lại những kỷ niệm đó, ông Trần Quân Ngọc đã làm bài thơ “Ngọn đuốc giữa Biển Đông” thuật lại lễ đốt đuốc, thử vỉa dầu đầu tiên trên thềm lục địa phía Nam: “…Ekhabi đứng giữa Biển Đông/ Mặt trời dậy, sáng bừng khối thép/ Càng đẹp thêm ngọn đuốc rực hồng/ Từ đài chỉ huy tàu Gambursev/ Bác Tô nhìn sang, đôi mắt nheo cười/ Bác chúc mừng những thợ khoan Xô - Việt/ Khoan trúng vỉa dầu dưới đáy biển khơi/ Nhìn ngọn đốc sáng trên biển cả/ Lòng vui sao nước mắt ứa trào!/… /Trong giờ phút sướng vui tràn ngập/ Lòng bỗng dưng nghẹn nhớ Bác Hồ…”.

    Những tình cảm ấy và ý chí quyết tâm, vượt mọi gian lao, thử thách của Đảng, Chính phủ, của những người đi tìm lửa cho thấy niềm tin cháy bỏng vào tầm nhìn, mong ước của Bác về xây dựng một ngành công nghiệp Dầu khí mạnh, để làm giàu cho Tổ quốc. Lời của Bác như ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tàu nhìn thấy bến bờ và hướng về đích.

    Người lao động dầu khí thi công lắp đặt công trình trên biển

     

    Hoàn thành ước nguyện của Bác

    Tôi còn nhớ, trong một lần gặp TS Trương Đình Hiển - chuyên gia về vật lý hải dương học, nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Vật lý - Viện Khoa học và Công nghệ TP HCM, người đã có công tìm ra cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp làm tiền đề xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông nhận định rằng “Ngành Dầu khí Việt Nam đã thực hiện được hơn cả những gì mong đợi của Bác”. Ông tha thiết rằng, ngành Dầu khí cần đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa, có tổng kết, đánh giá để mọi người biết đến những thành tựu và đóng góp hết sức quan trọng của ngành.

    Thật vậy, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi đúng con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng, hiện thực hóa mong ước của Người và cũng là hoài bão của dân tộc rằng “Việt Nam có một ngành công nghiệp Dầu khí mạnh”. Điều này được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của ngành từ những đóng góp quan trọng trong xây dựng, vực dậy kinh tế đất nước sau chiến tranh, đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.

    Từ năm 1990 khi đất nước còn khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, việc tìm kiếm và khai thác dầu trong đá móng Bạch Hổ không chỉ mở ra một trang mới cho ngành Dầu khí nước nhà mà còn đóng góp quan trọng vào giải quyết khủng hoảng năng lượng sau chiến tranh, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước. Nhiều năm, ngành Dầu khí đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia và tiếp tục có những đóng góp lớn, quan trọng kéo dài cho đến tận ngày nay. Hiện nay, Petrovietnam vẫn đóng góp lớn cho GDP cả nước, trung bình 9-10%; nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-9,5% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước, trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế đã được mở rộng hơn rất nhiều.

    Hiện nay, sản xuất, cung ứng của Petrovietnam đáp ứng trên 70% nhu cầu xăng dầu, trên 70-80% nhu cầu phân đạm, trên 75% thị phần LPG cả nước… Petrovietnam cung cấp dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ khoan dầu khí, dịch vụ xây lắp, chế tạo các công trình dầu khí, dịch vụ cho điện gió ngoài khơi trong nước và vươn ra thế giới… Các trung tâm, cụm công nghiệp dầu khí lớn của Petrovietnam tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Ngãi… là những điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp hàng đầu cho sự phát triển và thu ngân sách của địa phương, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp liên quan trong cả vùng, cụm công nghiệp. Petrovietnam cũng đang tích cực đầu tư, góp phần hình thành các trung tâm năng lượng quốc gia theo định hướng của Đảng, Chính phủ.

    Với hàng trăm hợp đồng dầu khí đã được ký kết kể từ năm 1981, hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, như những cột mốc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

    Petrovietnam cũng đóng góp quan trọng trong việc tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước. Hằng năm, Petrovietnam và các đơn vị thành viên dành ra khoản kinh phí khoảng 300-500 tỉ đồng từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn đóng góp của CBCNV trong toàn Tập đoàn cho các hoạt động an sinh xã hội, trong đó tập trung vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, tài trợ xây dựng công trình y tế, giáo dục, nhà Đại đoàn kết và cứu trợ thiên tai, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cũng như giúp đỡ người dân trong cả nước. Thực hiện an sinh xã hội từ 2006 đến 2023 đạt trên 7,82 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023 vừa qua, toàn Tập đoàn dành tới 750 tỉ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc.

    Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

     

    Có thể khẳng định, trong 65 năm, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi từ “không” đến “có”, từng bước xây dựng, hình thành, phát triển, vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực quốc gia và góp phần khẳng định chủ quyền, giữ gìn an ninh biển đảo của Tổ quốc. Đến nay tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đạt trên 1 triệu tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt 532 nghìn tỉ đồng; xây dựng hệ sinh thái dầu khí hoàn chỉnh từ tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, công nghiệp khí, điện và năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí đến dịch vụ dầu khí chấtlượng cao.

    Những kết quả đó minh chứng cho đánh giá của các tổ chức quốc tế về sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Petrovietnam tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam.

    Trải qua những năm tháng thăng trầm của hành trình “tìm lửa” gian lao đến nay, có thể khẳng định ngành Dầu khí Việt Nam đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ. Qua đó, xây dựng ngành Dầu khí trở thành điểm tựa quan trọng trong nền kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước. Tiếp nối hành trình đó, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam không ngừng nỗ lực, trên hành trình chuyển dịch thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, để tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện tốt hơn mong ước của Bác Hồ trong tình hình mới.

     

      Bài viết liên quan